“May đo” giải pháp công nghệ “Make in Việt Nam”

Chia sẻ với DĐDN, TS. Hán Minh Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn S-GROUP Việt Nam nhấn mạnh, giải pháp công nghệ không chỉ ở thu thập phân tích dữ liệu mà là hiểu được nhu cầu của mỗi đối tác, cho ra đời những sản phẩm công nghệ đặc biệt, được “đo ni đóng giày” cho từng dự án.

– Ông đánh giá như thế nào về thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mà S-GROUP đang hoạt động?

TS. Hán Minh Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn S-GROUP Việt Nam: Tại Việt Nam hiện nay, dưới tác động của chính sách và yêu cầu thực tiễn, công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra rộng khắp ở các khối kinh tế, các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, thực tế chuyển đổi số tại doanh nghiệp lại đang diễn ra chưa đồng đều, còn nhiều bất cập.

Theo đó, nếu như tại các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các công tác chuyển đổi số từ rất lâu thông qua việc ứng dụng công nghệ vào mô hình quản trị, ERP, sản xuất tự động… thì tại những doanh nghiệp nhỏ, chuyển đổi số dường như mới đang ở giai đoạn ban đầu. Có số liệu thống kê cho thấy, hơn 90% doanh nghiệp chưa có nhận thức đúng về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số. Hơn 80% doanh nghiệp mới ở mức 1 và mức 2 theo Mức độ đánh giá chuyển đổi số doanh nghiệp của Bộ TT&TT.

– Yêu cầu là vậy, còn các sản phẩm công nghệ mà doanh nghiệp công nghệ Việt như S-GROUP cung cấp hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi, tạo đột phá nói trên hay chưa, thưa ông?

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ công tác chuyển đổi số do doanh nghiệp Việt tạo ra và được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, nhưng số lượng các doanh nghiệp thực sự tạo ra đột phá nhờ việc ứng dụng các giải pháp này chưa nhiều.

Theo tôi, có 3 nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất, do doanh nghiệp chưa áp dụng triệt để, mới chỉ áp dụng cho từng khâu quản lý, ví dụ như chỉ riêng nghiệp vụ kế toán hay chỉ riêng một nghiệp vụ bán hàng. Thứ hai, do thị trường còn thiếu các giải pháp mang tính đồng bộ cho các lĩnh vực đặc thù. Thứ ba, việc áp dụng còn nhiều khó khăn do nhân lực chưa quen, chưa hiểu.

Những sản phẩm chuyển đổi số SGROUP Việt Nam phát triển hướng tới mục tiêu có thể phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

– Vậy sản phẩm công nghệ thông tin, quản lý và xúc tiến đầu tư cho KCN của S-Group cung cấp có lợi thế gì ưu việt hơn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư KCN, thưa ông?

Có thể nói, bộ sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý và xúc tiến đầu tư KCN mà S-GROUP phát triển là một sản phẩm đặc biệt khi bắt đúng và trúng “bệnh” của doanh nghiệp, tạo ra được các giá trị mới cho doanh nghiệp. Với việc ứng dụng linh hoạt các công nghệ mới và hiện đại nhất hiện nay, sản phẩm mang tới góc nhìn và trải nghiệm trực quan cho người dùng, dễ dàng truy cập, linh hoạt trong tìm kiếm, trích xuất thông tin và quản trị dữ liệu tốt.

– Được biết, S-GROUP có ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào giải pháp của mình, điều này mang lại hiệu quả khác biệt gì cho khách hàng doanh nghiệp là các dự án KCN, thưa ông?

Công nghệ thực tế ảo (VR360) không còn quá mới mẻ, không chỉ riêng S-GROUP áp dụng công nghệ này trong các sản phẩm của mình. Nhưng khác biệt là chúng tôi đã có sự linh hoạt và sáng tạo trong ứng dụng để “may đo” theo yêu cầu của từng dự án, mang tới hiệu quả riêng cho các doanh nghiệp, đối tác của mình.

Theo đó, đối với các nhà quản lý, nhà quy hoạch hay nhà đầu tư, thông tin hiện chỉ mới ở dạng tĩnh hoặc mô hình 2D, 3D nhưng sự tích hợp là chưa có. Còn với sản phẩm của S-GROUP, thông tin được tích hợp, trên nền hệ thống thông tin địa lý (GIS), khách hàng không chỉ được tiếp cận với thông tin một cách minh bạch, rõ ràng và nhanh chóng, mà còn có những trải nghiệm sinh động như đang đứng ngay tại dự án hoặc quan sát dự án từ trên cao với cái nhìn bao quát nhất.

Cho đến nay, những sản phẩm chuyển đổi số mà S-GROUP phát triển là sản phẩm của Việt Nam, “Make in Vietnam”, nhưng chúng tôi hướng tới mục tiêu có thể phục vụ mọi đối tượng khách hàng khác nhau. Và chúng tôi mong muốn có thể đưa sản phẩm ra nước ngoài, hướng đến thị trường toàn cầu.

– Trong quá trình này, doanh nghiệp gặp rào cản gì và đề xuất giải pháp nào cho sự phát triển các doanh nghiệp công nghệ, thưa ông?

Chúng tôi rất mong muốn Nhà nước sẽ sớm ban hành những quy định hướng dẫn về thu thập xử lý số liệu đồng bộ, đồng nhất trong các ngành. Và tốt hơn nữa thì luật hóa các hướng dẫn đó để công tác triển khai, hoạt động của doanh nghiệp trở nên thuận tiện hơn.

– Xin cảm ơn ông!

*Theo: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Linh gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/may-do-giai-phap-cong-nghe-make-in-viet-nam-246224.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ
Gọi điện
Chat facebook
Chat Zalo